Thiết kế không gian làm việc cho các công ty nhỏ: 03 ý tưởng sáng tạo
Thiết kế không gian làm việc có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến năng suất và hiệu quả công việc. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ hiểu được tầm quan trọng của điều này nhưng gặp khó khăn trong việc tạo nên nó do nhiều yếu tố như chi phí, không gian… Hiểu được điều đó, chúng tôi mang đến 03 ý tưởng thiết kế văn phòng công ty nhỏ giúp các doanh nghiệp nhỏ có một không gian làm việc hiệu quả.
1. Đặc điểm không gian làm việc của công ty nhỏ
1.1. Công ty nhỏ là gì?
Doanh nghiệp nhỏ bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ, có quy mô về vốn, số lao động hay doanh thu nhỏ. Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WBG), doanh nghiệp siêu nhỏ có dưới 10 lao động, còn doanh nghiệp nhỏ có từ 10 đến dưới 200 lao động và nguồn vốn dưới 20 tỷ đồng. Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng (theo Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP).
Mỗi quốc gia/tổ chức sẽ có những quy định định lượng để xác định nhưng nhìn chung các công ty đều có số lượng người lao động và quy mô vốn vừa phải. Kéo theo đó, thường không gian của những công ty này thường không quá lớn, và không có quá nhiều người trong văn phòng.
1.2. Đặc điểm văn phòng làm việc của công ty nhỏ
Dưới đây là các đặc điểm không gian văn phòng cần lưu ý để tối ưu trong thiết kế:
- Diện tích mặt sàn nhỏ: Với số lượng nhân viên không lớn (thường dưới 50 người) và nguồn vốn không cao, các doanh nghiệp nhỏ thường đặt văn phòng tại trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP.HCM để thuận tiện kinh doanh, gặp gỡ khách hàng và thu hút nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, diện tích mặt sàn văn phòng nhỏ, nhiều doanh nghiệp sử dụng văn phòng Officetel hay văn phòng ảo để tiết kiệm chi phí bất động sản.
- Chi phí thiết kế thấp: Việc thiết kế văn phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề, ngân sách, nhưng đa phần các doanh nghiệp nhỏ muốn tối ưu chi phí thiết kế. Do đó, không gian văn phòng thường không cầu kỳ, sử dụng vật liệu cơ bản và chi phí thấp.
- Tận dụng đồ có sẵn: Việc sử dụng và cải tạo những gì có sẵn giúp tiết kiệm chi phí khi nguồn vốn chưa lớn. Đó có thể là đồ nội thất cũ hay các nội thất giá rẻ nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
2. 03 ý tưởng thiết kế văn phòng công ty nhỏ
Để cân bằng giữa nhu cầu sử dụng và chi phí thiết kế, dưới đây là 03 ý tưởng có thể cải thiện không gian của các công ty nhỏ:
2.1. Sử dụng triết lý tối giản trong thiết kế văn phòng
Triết lý tối giản là sự đơn giản hóa, chỉ giữ lại những gì thiết yếu nhất cho không gian. Triết lý này tạo nên không gian không cầu kỳ, tập trung vào chức năng:
- Màu sắc: Sử dụng màu đơn sắc, trung tính như trắng, xám hay be giúp văn phòng sáng và có cảm giác rộng hơn.
- Đường nét: Đường nét thẳng, sạch sẽ và bề mặt nội thất phẳng, nhẵn giúp không gian gọn gàng, đơn giản mà tinh tế.
- Bố trí không gian: Chỉ sử dụng đồ nội thất thật sự cần thiết. Không có các chi tiết rườm rà giúp không gian rộng rãi hơn.
- Chức năng: Sử dụng nội thất đa năng, thông minh và bỏ qua chi tiết không cần thiết giúp giảm số lượng nội thất và tiết kiệm chi phí, tạo nhiều không gian trống hơn.
2.2. Thiết kế văn phòng mở
Văn phòng mở là kiểu văn phòng trong đó mọi người sử dụng không gian làm việc chung, không có phòng riêng biệt. Không có sự phân chia giữa các phòng ban, loại bỏ các bức tường ngăn cách, giúp tận dụng tối đa diện tích văn phòng nhỏ. Văn phòng mở xóa bỏ ranh giới vật lý giữa các phòng ban, thúc đẩy giao tiếp và tư duy sáng tạo giữa các thành viên. Đồng thời, văn phòng mở giúp tiết kiệm chi phí thiết kế, mua nội thất và trang thiết bị, vì mọi người sử dụng chung không gian và nội thất.
2.3. Cải tiến và nâng cấp văn phòng
Ý tưởng này tập trung vào sắp xếp và sử dụng triệt để các yếu tố tốt đã có trước khi bổ sung thêm các yếu tố khác:
- Yếu tố có sẵn: Tận dụng và cải tiến các yếu tố có sẵn như văn phòng, bàn ghế, trang thiết bị bằng cách sắp xếp lại, cải thiện ánh sáng và nhiệt độ để tăng hiệu quả công việc.
- Đánh giá nhu cầu: Trước khi bổ sung bất kỳ yếu tố nào, hãy đánh giá xem có thực sự cần thiết không, và yếu tố đó có tạo ra sự khác biệt lớn về thẩm mỹ, chức năng, văn hóa và tinh thần cho văn phòng không. Từ đó, bổ sung một cách hiệu quả và hợp lý nhất.
Nếu bạn có quan điểm hoặc thắc mắc về thiết kế không gian làm việc cho công ty nhỏ, hãy để lại bình luận bên dưới!